UY TÍN nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm rõ ràng CHẤT LƯỢNGđảm bảo độ an toàn cho sản phẩm GIÁ HỢP LÝquyền lợi tối đa cho khách hàng
 [tintuc]

Tretinoin



Tên khác:All-Trans-Retinoic Acid Form of Retinoids
Chức năng:trị mụngiao tiếp tế bào
Tretinoin là thành phần chống lão hóa tiêu chuẩn vàng duy nhất được FDA phê chuẩn cho tới nay
Khắc phục gần như mọi vấn đề về da
Trị mụn hiệu quả, có khả năng làm se lỗ chân lông nhờ vào giải quyết và ngăn ngừa bí tắc
Làm sáng da, giảm thâm mụn
Thường gây kích ứng, bong tróc da, đỏ và khô rát
Không sử dụng Tretinoin (hoặc bất kỳ dạng retinoids nào) khi mang thai
Không sử dụng Tretinoin khi không có đơn của bác sĩ
Không nên sử dụng Tretinoin lên nền da ẩm hoặc dưới ánh sáng.
Chi tiết
Tretinoin (còn được gọi là all-trans retinoic acid) là một dẫn xuất dược phẩm của vitamin A. Retinoic acid là một thành phần cần thiết đối với con người, tạo điều kiện cho sự tăng trưởng và phát triển. Nó được coi là một trong những retinoids mạnh nhất và có khả năng giải quyết rất nhiều các vấn đề về da như: mụn trứng cá, da xỉn màu, nếp nhăn, mất độ săn chắc và tăng sắc tố. Vì vậy, tretinoin được coi là tiêu chuẩn vàng trong điều trị da. Thậm chí ngày nay, tretinoin là thành phần duy nhất được FDA chấp nhận là hàng đầu trong lĩnh vực chống lão hóa.

Tác dụng
Tretinoin hoạt động trên da ở cấp độ tế bào và làm cho các tế bào da của bạn hoạt động một cách lành mạnh và bình thường. Các tế bào da của chúng ta chứa các thụ thể Retinoic Acid (Retinoic Acid Receptor), tretinoin đóng vai trò như thành phần giao tiếp tế bào, liên kết trực tiếp với các thụ thể này để thay đổi hành vi cơ bản của tế bào da.

1. Điều trị mụn trứng cá
Tretinoin được phát triển vào cuối những năm 1960 bởi hai bác sĩ là James Fulton và Albert Kligman để điều trị mụn trứng cá. Tretinoin bình thường hóa quá trình sừng hóa, ngăn chặn các tế bào da chết dính lại với nhau và làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Không chỉ vậy, tretinoin còn tác động khiến cho lỗ chân lông giảm sản xuất bã nhờn, hạn chế bã nhờn tích tụ gây bí tắc, từ đó giúp se nhỏ lỗ chân lông. Tretinoin không dễ dàng hấp thu hoàn toàn qua da. Trên thực tế, có tới 80% được lưu lại trên bề mặt da. Tretinoin dạng kem đã được chứng minh là thâm nhập tốt hơn một chút so với dạng gel (khoảng 5%).

Theo nghiên cứu năm 1980, bệnh nhân bị mụn nang, hoặc những người không đáp ứng với tất cả các liệu trình khác, có thể được điều trị bằng retinoids dạng uống: isotretinoin. Thuốc uống này đã được chứng minh là làm thay đổi chức năng tuyến bã nhờn và giảm sản xuất bã nhờn chỉ trong vòng hai tuần kể từ khi bắt đầu điều trị. Còn retinoids dạng bôi ngoài da chưa được chứng minh là có thể điều trị được tới tuyến bã nhờn do thực tế là các tuyến này nằm ở một mức độ quá sâu trong nang lông.

2. Tretinoin được coi là thành phần chống lão hóa tiêu chuẩn vàng trong da liễu
Nếu xem da như một toà nhà thì collagen chính là trụ cột chống giữ toàn bộ tòa nhà đó. Do các sản phẩm collagen dạng bôi khó có thể thẩm thấu vào da và hoạt động như mong muốn, bạn chỉ có hai cách duy nhất để duy trì những trụ cột này: giữ lại collagen tự nhiên càng nhiều càng tốt hoặc kích thích da tự sản sinh để tái tạo lại lượng collagen đã bị hỏng, giúp giảm sự hình thành nếp nhăn và chảy xệ. Điều tuyệt vời là Tretinoin hoạt động theo cả hai cách. Tretinoin ức chế các enzyme phá hủy collagen (matrix metallicoproteinase - MMP, tăng lên do UVB) đồng thời giúp tăng cường tổng hợp collagen của da.

Một nghiên cứu năm 2010 với 360 người tham gia đã cho thấy tretinoin 0.025% giúp cải thiện đáng kể nếp nhăn sau 24 tuần sử dụng. Các chuyển biến tốt không chỉ xảy ra ở các nếp nhăn nông và ở cả nếp nhăn sâu và vân da (tactile roughness), dù với tỷ lệ ít hơn.
Một nghiên cứu năm 1992 đã chỉ ra rằng Tretinoin cũng giúp đảo ngược lão hoá do ánh sáng và tăng sản xuất Hyaluronic acid trong lớp biểu bì. Theo nghiên cứu của Pavicic năm 2011, Hyaluronic acid (HA) là một thành phần cần thiết của da người, có tác dụng tăng tốc độ chữa lành vết thương và là một chất giữ ẩm mạnh, giúp tăng độ ẩm của da của bằng cách hút nước từ môi trường và lớp trung bì. Chính vì thế, tăng sản xuất HA cũng góp phần giảm nếp nhăn trên da.
Năm 1995, Griffiths đã công bố một nghiên cứu cho thấy về mặt lâm sàng, không có sự khác biệt giữa hiệu quả của tretinoin 0.025% và 0.1% sau 48 tuần, trong khi Tretinoin 0.1 % có mức gây kích ứng nghiêm trọng hơn. Vì vậy, nếu bạn quyết định sử dụng Tretinoin cho mục đích chống lão hóa, hãy chọn loại có hiệu quả với da và ít kích ứng.

3. Điều trị tăng sắc tố
Tretinoin có khả năng giảm tăng sắc tố sau viêm, mặc dù không thực sự nhanh và hiệu quả. Nó hoạt động bằng cách ngăn không cho melanin bị đóng cục trong tế bào, đào thải melanin lên lớp biểu bì và loại bỏ nó. Ngoài ra, tretinoin còn có khả năng trị nám.

Theo nghiên cứu năm 1975 của Kligman, Tretinoin được kết hợp với Hydroquinone và Dexamethasone để điều trị nám.
Một nghiên cứu năm 1994 cho thấy sự cải thiện về nám ở 32% số bệnh nhân sau 10 tháng sử dụng kem tretinoin 0.1 % hàng ngày. Đây là một con số khả quan.
Khuyến cáo
Đọc đến đây có lẽ bạn sẽ “wow” với Tretinoin và chỉ muốn lao vào dùng nó ngay. Đừng nghĩ đơn giản như thế, phải có vấn đề gì đó thì Tretinoin mới bị xếp vào loại thuốc kê toa chứ.

Tretinoin dễ gây kích ứng da. Các tác dụng phụ thường gặp nhất là bong tróc, khô, bị ửng đỏ và có thể gây rát da. Tretinoin cũng khiến da trở nên cực kì nhạy cảm với ánh sáng. Nếu sử dụng kem chống nắng có khả năng bảo vệ không cao, bạn có thể bị rát da khi ra ngoài trời, đặc biệt là khi sống ở một nơi đầy nắng như Việt Nam. Đây cũng là lí do tôi không đánh giá quá cao hiệu quả của Tretinoin trong điều trị tăng sắc tố, bởi khi da trở nên quá nhạy cảm với ánh sáng thì ngược lại quá trình tăng sắc tố sẽ dễ bị kích hoạt. Nên thực ra nếu bạn chọn Tretinoin để điều trị tăng sắc tố thì chưa biết mèo nào cắn mỉu nào đâu. Nếu được chọn thì tôi sẽ chọn Retinol, một phái sinh nhẹ hơn Tretinoin trong họ retinoids.

Quan trọng hơn, Tretinoin không phải là phương thuốc thần thánh có thể giúp bạn thay đổi làn da trong chốc lát. Nếu bạn để ý thời gian trong những nghiên cứu tôi đưa ra, Tretioin chỉ có hiệu quả trên da khi sử dụng kéo dài 24-48 tuần, vì vậy người dùng phải rất kiên nhẫn với thử thách kích ứng da do Tretioin gây ra, phải tạm dừng những chuyến đi biển đầy nắng vàng nếu bạn muốn điều trị không bị dứt đoạn. Tất nhiên, theo thời gian da bạn sẽ thích nghi với tretinoin và các hiện tượng kích ứng sẽ giảm dần, nhưng tất cả đều vẫn rất hên xui, vì tôi đã từng chứng kiến nhiều ca bị tác dụng phụ rất nặng do Tretinoin. Vì thế, tôi sẽ không viết hướng dẫn cách sử dụng Tretinoin. Đã là thuốc kê toa thì bạn cần đi gặp bác sĩ.

Và trên hết, bạn phải nhớ rằng Tretinoin có nguồn gốc từ vitamin A nên không được sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú. Hãy thử thai và tránh thai kĩ càng khi bạn có ý định hoặc đang sử dụng thành phần này nhé.

Kết luận
Tóm lại, Tretinoin thật sự là một thành phần rất đáng thử nếu như bạn đang tìm kiếm “làn da sương khói” và cảm thấy tự tin với kiến thức cũng như cảm thấy làn da của mình đủ khoẻ để sử dụng. Còn tôi, tôi rất hạnh phúc với Retinol.

Tham khảo
  1. Roos TC, Jugert FK, Merk HF, Bickers DR. Retinoid metabolism in the skin. Pharmacol Rev. 1998 Jun;50(2):315-33.
  2. Fu JJ, Hillebrand GG, Raleigh P, Li J, Marmor MJ, Bertucci V, Grimes PE, Mandy SH, Perez MI, Weinkle SH, Kaczvinsky JR. A randomized, controlled comparative study of the wrinkle reduction benefits of a cosmetic niacinamide/peptide/retinyl propionate product regimen vs. a prescription 0.02% tretinoin product regimen. Br J Dermatol. 2010 Mar;162(3):647-54.
  3. Nyirady J, Bergfeld W, Ellis C, Levine N, Savin R, Shavin J, Voorhees JJ, Weiss J, Grossman R. Tretinoin cream 0.02% for the treatment of photodamaged facial skin: a review of 2 double-blind clinical studies. Cutis. 2001 Aug;68(2):135-42.
  4. Farrell LN, Strauss JS, Stranieri AM. The treatment of severe cystic acne with 13-cis-retinoic acid. Evaluation of sebum productionand the clinical response in a multiple-dose trial. J Am Acad Dermatol. 1980;3:602.
  5. Goldfarb MT, Ellis CN, Voorhees JJ. Topical tretinoin: its use in daily practice to reverse photoageing. Br J Dermatol. 1990 Apr;122 Suppl 35:87-91.
  6. Tammi R, Ripellino JA, Margolis RU, Maibach HI, Tammi M. Hyaluronate accumulation in human epidermis treated with retinoic acid in skin organ culture. J Invest Dermatol. 1989 Mar;92(3):326-32.
  7. Lundin A, Berne B, Michaëlsson G. Topical retinoic acid treatment of photoaged skin: its effects on hyaluronan distribution in epidermis and on hyaluronan and retinoic acid in suction blister fluid. Acta Derm Venereol. 1992 Nov;72(6):423-7.
  8. Pavicic T, Gauglitz GG, Lersch P, Schwach-Abdellaoui K, Malle B, Korting HC, Farwick M. Efficacy of cream-based novel formulations of hyaluronic acid of different molecular weights in anti-wrinkle treatment. J Drugs Dermatol. 2011 Sep;10(9):990-1000.
  9. Gupta AK, Gover MD, Nouri K, Taylor S. The treatment of melasma: a review of clinical trials. J Am Acad Dermatol. 2006 Dec;55(6):1048-65.
  10. Griffiths CE, Kang S, Ellis CN, Kim KJ, Finkel LJ, Ortiz-Ferrer LC, White GM, Hamilton TA, Voorhees JJ. Two concentrations of topical tretinoin (retinoic acid) cause similar improvement of photoaging but different degrees of irritation. A double-blind, vehicle-controlled comparison of 0.1% and 0.025% tretinoin creams. Arch Dermatol. 1995 Sep;131(9):1037-44.
  11. Kligman AM, Willis I. A new formula for depigmenting human skin. Arch Dermatol. 1975 Jan;111(1):40-8.
  12. Kimbrough-Green CK, Griffiths CE, Finkel LJ, Hamilton TA, Bulengo-Ransby SM, Ellis CN, Voorhees JJ. Topical retinoic acid (tretinoin) for melasma in black patients. A vehicle-controlled clinical trial. Arch Dermatol. 1994 Jun;130(6):727-33.
  13. Baumann, Leslie S.. Cosmeceuticals and Cosmetic Ingredients (p. 306-310). McGraw-Hill Education. Kindle Edition.

[/tintuc]

SẢN PHẨM TƯƠNG TỰ

NHẬN XÉT

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét